Các cán bộ bị truy tố Các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

PVC-ME

Ngày 24/1/2014, 10 người lãnh đạo, cán bộ Cty Cổ phần Thi công cơ giới - lắp máy dầu khí (PVC-ME) bị truy tố. Các bị can gồm Vũ Duy Thành (SN 1960), nguyên Chủ tịch HĐQT; Trần Xuân Tình (SN 1975), Phó tổng giám đốc Cty PVC-ME; Trần Văn Dương (SN 1984), kế toán Ban chỉ huy công trường Nghi Sơn và Vũng Áng thuộc VPC-ME… Ngoài ra, CQĐT còn khởi tố bị can đối với Đoàn Tô Hùng (SN 1983), Tổng giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Sơn; Bùi Tiến Dũng (SN 1980), Giám đốc Cty Cổ phần Công nghiệp hóa Việt Nam. Trước đó, ông Trịnh Văn Thảo (SN 1969), nguyên Tổng giám đốc PVC-ME cùng 4 bị can khác cũng đã bị khởi tố.[12][23]

PVTEX&PVC-KBC

5 đối tượng bị khởi tố và có lệnh bị bắt tạm giam vào ngày 19/6/17, Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTEX; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX; Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX; Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC-KBC trong vụ án hình sự Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX), Cty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp dầu khí Kinh Bắc (PVC-KBC) và các đơn vị liên quan. Trong số này, riêng bị can Đỗ Văn Hồng đã bị bắt tạm giam trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty PVC và CTCP Đầu tư & Xây Lắp Dầu Khí Kinh Bắc (PVC-KBC).[24]

PVC

Tính đên ngày 29.9.2017, 18 nghi can đã bị khởi tố trong những vị phạm liên quan đến PVC.

Ngày 16-9-2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam: Vũ Đức Thuận; Nguyễn Mạnh Tiến - phó tổng giám đốc; Trương Quốc Dũng - nguyên phó tổng giám đốc; Phạm Tiến Đạt, nguyên kế toán trưởng PVC, để điều tra cùng hành vi "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Liên quan tới vụ án này, ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên chủ tịch HĐQT PVC - cũng bị khởi tố và truy nã.[25]

Ngày 16/2/2017 thêm 5 người bị khởi tố về tội tham ô tại PVC. Đó là Lương Văn Hòa, sinh năm 1980, nguyên giám đốc Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC, Lê Xuân Khánh, sinh năm 1976, trưởng Phòng Kinh tế Tổng hợp Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC, Nguyễn Lý Hải, sinh năm 1964, nguyên trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Điều hành Dự án Vũng Áng-Quảng Trạch, Tổng Công ty PVC (hiện là nhân viên Phòng Kỹ thuật thi công Ban Điều hành Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2), Nguyễn Thành Quỳnh, sinh năm 1973, giám đốc Ban Kỹ thuật công nghệ, Tổng công ty Miền Trung, Lê Thị Anh Hoa, sinh năm 1979, giám đốc Công ty TNHH MTV Quỳnh Hoa.[26]

Ngày 1/4/2017, ông Đỗ Văn Hồng, 50 tuổi, trú tại Bắc Ninh, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và Xây lắp Kinh Bắc (PVC-KBC, Công ty con của PVC) được cho là có liên quan đến nghi can Trịnh Xuân Thanh cũng đã bị khởi tố, bắt tạm giam.[27][28]

Ngày 25/9/2017, ông Lê Đình Mậu - kế toán trưởng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Sai phạm của ông Mậu cùng đồng phạm xảy ra trong việc sử dụng số tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Đồng thời, Cơ quan an ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố, lệnh khám xét đối với 3 người khác gồm: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).[29] Hành vi của ông Mậu được xác định là đã soạn thảo, ký "nháy" trên công văn trình Nguyễn Xuân Sơn, phó tổng giám đốc PVN, yêu cầu ban quản lý dự án NĐTB 2 tạm ứng cho PVC hơn 800 tỉ đồng. Ông Mậu cũng đã nhiều lần ký ủy nhiệm chi để rút số tiền này. Theo chỉ đạo của lãnh đạo PVN, ông Vũ Hồng Chương đã ký duyệt tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng. Hành vi này của ông Chương vi phạm nghị định 48 của Chính phủ và Luật kế toán. Tiếp đó, thực hiện yêu cầu của Nguyễn Xuân Sơn, ông Chương đã làm tờ trình xin cấp vốn tạm ứng cho ban quản lý dự án NĐTB 2 gần 150 tỉ đồng và 9,55 triệu USD. Đối với bị can Trần Văn Nguyên, cơ quan điều tra xác định Nguyên đã ký các ủy nhiệm chi của ban quản lý dự án NĐTB 2 tạm ứng cho PVC hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỉ đồng.[30]

Ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam Nguyễn Anh Minh (40 tuổi, ở khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì, TP Hà Nội) là Tổng giám đốc PVC; Bùi Mạnh Hiển (41 tuổi, ở Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), Chánh văn phòng PVC; Nguyễn Đức Hưng (35 tuổi, ở huyện Gia Lâm), nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC. Ba người này bị khởi tố về tội "Tham ô tài sản" quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự.[31]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Thuận bị xử 22 năm tù về tội cố ý làm trái và Tham ô tài sản.

Nguyễn Anh Minh

Ông Nguyễn Anh Minh là một trong những người có quan hệ mật thiết với những phi vụ làm ăn của PVC thời Trịnh Xuân Thanh. Ông Minh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc PVC vào tháng 1/2015. Tháng 4/2015 thì chính thức làm Tổng giám đốc PVC. Trước đó, ông đã trải qua hàng loạt vị trí chủ chốt tại các công ty con của PVC như Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xây lắp Dầu khí Hà Nội, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Hà Nội (PVC-HN), rồi Phó Tổng giám đốc PVC. Đó chính là quãng thời gian ông Nguyễn Anh Minh trực tiếp liên quan đến việc triển khai dự án ethanol Phú Thọ - PVC-HN cũng chính là nhà thầu phụ của PVC thực hiện dự án này, một dự án ngàn tỷ xây dựng dở dang suốt nhiều năm nay.[32]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Minh bị xử 16 năm tù về tội Tham ô tài sản.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2

Kế toán trưởng kiêm trưởng ban tài chính kế toán và kiểm toán của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Lê Đình Mậu ngày 25.9.2017 bị bắt vì sai phạm xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên trong việc sử dụng số tiền tạm ứng cho dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Trước đó, trong cùng vụ án, các ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận cùng một số cá nhân khác tại PVC bị khởi tố, điều tra. Ngoài ra, 3 người khác cũng bị khởi tố: Vũ Hồng Chương, nguyên trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 (thuộc PVN); Trần Văn Nguyên, kế toán trưởng ban quản lý dự án điện lực dầu khí Thái Bình 2 và Nguyễn Ngọc Quý, nguyên phó chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).[33]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Quý, bị xử 6 năm tù, ông Mậu bị 4 năm 6 tháng tù, ông Chương bị 3 năm tù treo, ông Nguyên bị 30 tháng tù treo về tội cố ý làm trái.

PVN

Đinh La Thăng

Ngày 7/5/2017: Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định những khuyết điểm, những sai phạm khi còn làm ở PVN của ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008), Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2008-2011), là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng". Theo đó, trong giai đoạn này, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban TGĐ Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn và ban hành một số văn bản trái pháp luật, vi phạm quy chế làm việc.[34] Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của Tập đoàn dầu khí quốc gia trong giai đoạn này. Ông Thăng cũng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn ngày 18/9/2008 với Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, trước khi Hội đồng quản trị tập đoàn họp thống nhất nội dung trên. Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN. Việc góp vốn này gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật. Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được giao cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) triển khai. với tổng vốn lên tới 34.295 tỷ đồng, xấp xỉ 1,7 tỷ USD. Chính việc chỉ định gói thầu này đã gây hậu quả cho dự án.[35]

Khai man

Theo kết luận điều tra, ông Đinh La Thăng có cung cấp cho CQĐT Giấy xác nhận ngày 28/3/2017, trong đó thể hiện nội dung: Trước khi ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm, ông Thăng đã trao đổi nhiều lần với những người trong HĐQT (mà trực tiếp là ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh và bà Phan Thị Hòa) việc PVN tham gia góp vốn vào Oceanbank. Sau khi bị khởi tố điều tra, ông Đinh La Thăng khai lại. Theo lời khai của ông Thăng, khi đang là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông đã điện thoại nhờ ông Hoàng Xuân Hùng, ông Trần Ngọc Cảnh, ông Đỗ Văn Đạo và bà Phan Thị Hòa (đều là nguyên thành viên HĐQT năm 2008) xác nhận việc ông Thăng đã bàn bạc, thống nhất với HĐQT về chủ trương PVN góp vốn vào Oceanbank. Trên thực tế, không hề có việc thông qua HĐQT hay tổ chức cuộc họp xin ý kiến các thành viên HĐQT bằng văn bản.[36]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Thăng bị xử 13 năm tù về tội cố ý làm trái.

Phùng Đình Thực

Ngày 20/12/2017, ông Phùng Đình Thực, bị khởi tố về tội: "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự vì những sai phạm trong quá trình chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006). Tháng 4/2009, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định để ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tháng 9/2011, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Phùng Đình Thực, giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN, thay cho ông Đinh La Thăng được cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.[37]

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Nhà thầu là Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN (PVC - đơn vị thành viên PVN), thực hiện. Mặc dù mới có chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC của dự án, chưa ký hợp đồng EPC, nhưng PVN đã làm thủ tục chuyển 8,2 triệu USD và hơn 1.317 tỉ đồng cho Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, qua đó cho PVC tạm ứng 6,6 triệu USD và 1.312 tỉ đồng, gây thiệt hại cho nhà nước tính đến thời điểm hợp đồng EPC có hiệu lực (ngày 11.10.2011) là hơn 51,7 tỉ đồng và hơn 66.000 USD tiền lãi. Trách nhiệm của ông Phùng Đình Thực cũng đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư nhắc đến hồi tháng 4.2017 khi kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Ban Cán sự Đảng PVN. Ông Thực cũng vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng giám đốc OceanBank... Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học. Từ các sai phạm này, Ủy ban Kiểm tra T.Ư quyết định: Cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010 - 2015 đối với ông Phùng Đình Thực.[38]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Thực bị xử 9 năm tù về tội cố ý làm trái.

Nguyễn Xuân Sơn

Nhận ghế Chủ tịch vào tháng 7/2014, thay cho ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu., ông Nguyễn Xuân Sơn là Chủ tịch PVN đầu tiên bị mất chức, khởi tố và bắt giam trong tháng 7 năm 2015 trong đại án OceanBank - Hà Văn Thắm. Ngày 29/9/2017, Nguyễn Xuân Sơn bị tòa án sơ thẩm tuyên án Tử hình về về ba tội: tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái. Ông Sơn còn bị toà án buộc phải bồi thường hơn 60 tỉ chiếm đoạt thông qua công ty BSC, 49 tỉ cho PVN và gần 200 tỉ còn lại cho Oceanbank.[37][39]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Sơn bị xử thêm 9 năm tù về tội cố ý làm trái.

Nguyễn Quốc Khánh

Ông Nguyễn Quốc Khánh được bổ nhiệm chức chủ tịch HĐTV PVN từ ngày 19-11-2014 sau khi người tiền nhiệm là ông Nguyễn Xuân Sơn bị thôi chức và bị bắt sau đó do liên quan đến những sai phạm tại OceanBank. Tại kỳ họp thứ 14, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ ra nhiều khuyết điểm của lãnh đạo PVN các thời kỳ. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng giám đốc - cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy tập đoàn nhiệm kỳ 2010 - 2015; có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết 4266/NQ-DKVN của HĐTV. Ông Khánh phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu quyết định chỉ định gói thầu EPC nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Khánh còn có trách nhiệm liên quan đến những vi phạm, khuyết điểm tại dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.[40]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Khánh bị xử 9 năm tù về tội cố ý làm trái.

Phan Đình Đức

Đến ngày 18/12/2017, thì tới phiên ông Phan Đình Đức, thành viên Hội đồng thành viên PVN, bị khởi tố trong quá trình cơ quan điều tra mở rộng điều tra đại án gây thất thoát 2.000 tỉ tại Oceanbank, trong đó có khoản tiền 800 tỉ của PVN góp vốn. Ông Đức được bổ nhiệm giữ chức vụ thành viên HĐTV PVN từ tháng 11-2010. Trước đó ông Đức từng giữ nhiều chức vụ như Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCO), Tổng giám đốc Tổng công ty Khí (PVGAS)... Phan Đình Đức là con của Phan Đình Dinh (hay Đinh Đức Thiện), một thượng tướng trong quân đội và là nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Phan Đình Dinh là em ruột của ông Lê Đức Thọ (tên thật là Phan Đình Khải) và là anh của Đại tướng Mai Chí Thọ (tên thật là Phan Đình Đống).[41]

Ninh Văn Quỳnh

Ninh Văn Quỳnh sinh năm 1958, tại Nam Định, cử nhân Kế toán Công nghiệp, Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, 2008 – 2014 Kế toán trưởng PVN, từ 3/3/2014 Phó Tổng giám đốc PVN. Quỳnh bị Nguyễn Xuân Sơn cáo buộc đã nhận từ 30-40 tỷ từ ông.[42] ông Quỳnh khai nhận đã được Nguyễn Xuân Sơn trực tiếp hoặc thông qua Nguyễn Xuân Thắng (Phó GĐ khối Khách hàng lớn và Đối tác chiến lược Oceanbank) đưa cho nhiều lần tiền mặt với tổng số 20 tỷ đồng.[43]

Trong vụ án PVN&PVC, ngày 22.1.2018 ông Quỳnh bị xử 7 năm tù về tội cố ý làm trái.

PVP Land

Đinh Mạnh Thắng

Ngày 9.12. một ngày sau khi ông Đinh La Thăng bị bắt, ông Đinh Mạnh Thắng (55 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư và thương mại dầu khí Sông Đà, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.[44] Đinh Mạnh Thắng là em trai của ông Đinh La Thăng khai nhận sau khi thương vụ mua bán thành công trong Vụ án PVP Land đã nhận 19 tỉ đồng từ Thái Kiều Hương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Vietsan, sau đó giữ lại 5 tỉ đồng, còn 14 tỉ đồng để trong một chiếc va li chuyển cho Trịnh Xuân Thanh.[45] VKSDN Tối cao cho rằng, Thắng đã thông báo với Trịnh Xuân Thanh có khách hàng mua cổ phần của PVP Land tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 52 triệu đồng/m2; đã tổ chức cho các cá nhân gặp Trịnh Xuân Thanh để thuyết phục xin được phê duyệt cho PVP Land chuyển nhượng cổ phần dự án. Ông Thắng hiện đã hoàn trả lại số tiền hưởng lợi.[46]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Các vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam http://www.bbc.com/news/world-europe-40806193 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39862541 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40767308 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40790917 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42490519 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42746422 http://www.bbc.com/vietnamese/world-41438437 http://www.dw.com/en/cold-war-style-kidnapping-ber... http://www.vietnam.diplo.de/Vertretung/vietnam/vi/... http://www.vietnam.diplo.de/Vertretung/vietnam/vi/...